“Vạn sự khởi đầu nan”, Sbooks đã “khởi đầu nan” như thế nào với ba khâu cơ bản nhất trong ngành sách là: Tổ chức bản thảo – phát hành – truyền thông?
– Trong giai đoạn đầu hầu hết bản thảo mà Sbooks có đến từ các đối tác – khách hàng – học viên mà tôi đã cố vấn hoặc làm việc cùng trước đây. Thực sự mà nói nhu cầu xuất bản sách của doanh nhân là vô cùng lớn. Trước đây sách quản trị – kinh tế – kỹ năng của ta chủ yếu là sách dịch, điều này khiến thị trường sách thiếu sự bám sát với thực tế. Trong khi chúng ta có rất nhiều doanh nhân giỏi, những người hoạt động trực tiếp tại Việt Nam với kinh nghiệm và kiến thức phù hợp tuyệt đối với nhu cầu của người đọc trong nước. Trong giai đoạn mới thành lập, Sbooks chủ yếu săn tìm bản thảo từ những doanh nhân giỏi, có tư duy giá trị và tư vấn để họ xuất bản các bản thảo này. Sau này khi Hội Xuất Bản Việt Nam và Hội đồng Phát triển Sách Doanh nhân đẩy mạnh phát triển dòng sách dành cho doanh nghiệp và sách doanh nhân Việt viết đã cho thấy con đường đi ban đầu của Sbooks là vô cùng đúng đắn.
Phát hành cũng là một bài toán nan giải của Sbooks trong thời kỳ đầu. Lúc sơ khai công ty tập trung phát hành sách qua những kênh riêng của tác giả, qua kênh online. Chỉ có một số đơn vị phát hành tìm đên Sbooks trong thời kỳ đầu như Fahasa, Phương Nam, Nhân Văn… Mãi sau 2 năm vận hành, khi công ty đã có những quyển sách tạo nên tên tuổi nhất định thì chúng tôi mới kết nối được thêm nhiều hệ thống nhà sách khác. Tính đến hiện tại, sách Sbooks đã đi vào 25 hệ thống nhà sách và công ty phát hành với khoảng 100 nhà sách trong cả nước. Chúng tôi cũng đẩy mạnh việc phát hành sách qua sàn thương mại điện tử và các kênh online.
Về mảng truyền thông, đây được xem là mảng ít khó khăn nhất của Sbooks. Bản thân tôi đã từng hoạt động trong mảng này, có một số mối quan hệ nhất định và một số đối tác cố định. Thêm vào đó, Sbooks được các tác giả giúp đỡ rất nhiều trong việc truyền thông và giới thiệu thương hiệu. Có thể nói Sbooks tạo dựng được tên tuổi chủ yếu dựa vào việc làm tốt Inbound Marketing.
Sbooks tháng 4 này xuất hiện ở Đường Sách Cafe Buôn Ma Thuột tỉnh Đắk Lắk, sau đó có thể là Vũng Tàu rồi Miền Trung như anh nói. Anh đang nhắm vào phân khúc độc giả nào với những loại sách nào?
– Sbooks đang có kế hoạch xây dựng chuỗi gian hàng trưng bày – nhà sách ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước. Sbooks hướng tới việc lan tỏa trí tuệ và góp phần phát triển văn hóa đọc. Mỗi gian trưng bày hay nhà sách Sbooks mở ra không chỉ để bán sách mà còn để thuận tiện hơn trong việc phối hợp với địa phương trong việc thực hiện các hoạt động phát triển và tôn vinh văn hóa đọc. Mỗi bước đi của mình Sbooks đều cố gắng có sự chắc chắn. Ví dụ như việc ra mắt gian hàng sách tại Buôn Ma Thuột, trước đó, Sbooks đã về Đăk Lăk rất nhiều lần, phối hợp nhiều hoạt động với Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh, phối hợp với các trường đại học, trường trung học trên địa bàn…
Việc vươn đến nhiều địa phương giúp Sbooks có cái nhìn chân thực hơn về nhu cầu của độc giả, từ đó có định hướng phát triển những đầu sách phù hợp.
Sbooks không tập trung vào một nhóm độc giả duy nhất. Hiện tại độc giả của sách Sbooks có từ 10 tuổi đến 80 tuổi. Nhưng chúng tôi cũng dựa trên thế mạnh của mình để tập trung vào những nhóm độc giả cụ thể. Ví dụ như dòng sách quản trị – lãnh đạo dành cho các chủ doanh nghiệp. Dòng sách khai tâm – chữa lành – minh triết hướng tới nhóm độc giả trẻ. Và Sbooks cũng tập trung vào khai phá các tác phẩm văn học mới song song với việc tái bản những danh tác văn học để phục vụ nhóm độc giả văn học trung thành đồng hành cùng Sbooks trong suốt những năm qua.
Theo anh làm sao văn hóa đọc có thể cạnh tranh với văn hóa nghe nhìn đang phát triển vũ bão như ngày nay?
– Phải nói văn hóa đọc đang đứng trước nguy cơ lớn khi phải đối chọi lại với những sản phẩm kỹ thuật số mà ta thường gọi chung là văn hóa nghe nhìn vô cùng hấp dẫn. Nhưng đồng thời văn hóa đọc cũng đứng trước cơ hội phát triển vô cùng lớn. Văn hóa đọc trong giai đoạn hiện tại có sự đổi khác rất nhiều so với 5 năm hoặc 10 năm trước. Một phần do internet phát triển khiến mọi người coi trọng việc có tri thức, có tư duy đúng hơn. Một phần do nhiều đơn vị làm sách ra đời khiến thị trường sách phong phú hơn. Và phần lớn là do chính sách quốc gia đối với vấn đề đọc sách và phát triển văn hóa đọc. Nếu theo thống kê năm 2016 người Việt chỉ đọc trung bình 0,8 cuốn sách mỗi năm. Nhưng đến năm 2021 con số này đã lên tới 4,1 đầu sách/ người. Và con số này chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng. Cá nhân tôi kỳ vọng trong vòng 10 năm Việt Nam có thể đạt con số đọc trung bình 12 quyển sách/ người mỗi năm như Phần Lan đang đạt được.
Đất nước ta đi qua nhiều năm chiến tranh, nguồn sách báo trong thời chiến cực kỳ khan hiếm nên nó kéo theo khát vọng ngầm của nhiều thế hệ người Việt đối với sách. Từ sau đổi mới đất nước ta luôn cố gắng thúc đẩy ngành xuất bản phát triển để người dân không còn phải chịu đựng cảnh đói sách. Nhưng khi ngành xuất bản bắt đầu nở rộ thì lại phải chống chọi với văn hóa nghe nhìn phát triển như vũ bão. Tuy nhiên không vì thế mà ngành xuất bản phát triển chậm lại hay nhu cầu đọc sách của mọi người giảm đi. Ngoài sách giấy hiện nay chúng ta có thêm sách bản điện tử, sách nói và nhiều loại hình thức thể hiện khác. Như vậy Internet và kỹ thuật số đang phục vụ cho việc phát triển văn hóa đọc chứ không quá tiêu cực như chúng ta vẫn nghĩ. Văn hóa đọc không cần cạnh tranh với văn hóa nghe nhìn. Bởi văn hóa nghe nhìn cũng là công cụ bổ trợ cho văn hóa đọc và chúng có cùng mục đích gia tăng kiến thức cho chúng ta.
Đọc sách nó có giá trị và thú vui mà chỉ có việc đọc sách mới mang lại. Nếu xem video chúng ta chỉ xem bằng mắt, nghe bằng tai; nghe sách nói chỉ bằng tai thì việc đọc sách giấy buộc chúng ta phải sử dụng nhiều giác quan hơn. Tay sờ – giở cảm nhận chất giấy, mũi ngửi mùi thơm giấy mực, mắt nhìn, tai nghe tiếng lật trang… 4 giác quan cùng hoạt động trong lúc ta đọc sách khiến ta luôn nhớ lâu và hiểu sâu hơn khi đọc sách giấy.
Anh nhìn nhận về cách ứng xử của thế hệ trẻ hiện nay đối với văn hóa đọc như thế nào?
– Tôi nhận thấy người trẻ phân hóa thành hai nhóm rõ rệt là: Cực kỳ yêu thích đọc sách và ít quan tâm đến sách. Nhưng điều đó có sự thay đổi dần trong những năm gần đây.
Văn hóa đọc đang phát triển theo hướng tích cực. Và việc của những người làm sách như tôi, hay những người làm công tác truyền thông như nhà báo đây là thúc đẩy nhiều hơn nữa thói quen đọc sách của mọi người.
– Cảm ơn Dũng và chúc mọi dự định của bạn thành công.
Nguồn: Báo Lao Động