1. Tác giả Việt An Khương – “Ngẫm”
Việt An Khương tên nguyên sinh là Lê Xuân Việt sinh năm 1987, quê ở Cà Mau, Việt An Khương chọn con đường xuất gia từ sau khi học xong THPT. Văn phong của anh rất mộc mạc và giản dị, đôi chút thô cứng. Tuy nhiên, mỗi câu chuyện của Việt An khương luôn chứa đựng nhiều thông điệp sâu sắc, hay những chân lý mà chính bản thân Việt An Khương chiêm nghiệm đúc kết ra cho chính bản thân.
Một trong những lý do mà Việt An Khương bước chân vào con đường viết của mình, một phần bản thân muốn được trau dồi thêm nguồn kiến thức của bản thân, một phần tác giả muốn có cơ hội được trải nghiệm, khám phá quan sát rõ ràng hơn sâu sắc về về bản chất và sự vận động của cuộc sống.
Viết còn là cách mà tác giả gìn giữ và phát huy được vốn từ vựng tiếng Việt của mình, đối với một người con xa xứ như Việt An Khương. Đặc biệt, thông qua viết Việt An Khương được nhìn nhận sâu hơn về nội tâm của chính bản thân mình, khai phá và đánh thức được nội lực bên trong con người của chính tác giả.
Đặc biệt hơn nữa, khi viết tác giả sẽ có cơ hội lắng nghe nhiều thứ hơn bằng ngôn từ, khám phá ra nhiều ý nghĩa sâu xa trong kho tàng từ ngữ Việt Nam. Vì với riêng một từ rất ngắn gọn là ngẫm thôi đã cho ra đời rất nhiều cụm từ ý nghĩa khác nhau.
Góp nhặt những điều nhỏ nhặt thường ngày để đưa vào “Ngẫm”, thế nên thông điệp sách được đúc kết rất ngắn gọn là “Ngẫm thì sẽ thấy, ngẫm thì sẽ ra, ngẫm thì sẽ rõ. Hy vọng, đến với bạn, “Ngẫm” sẽ tạo ra nhiều điều mới mẻ, bởi trong đó chứa đựng những ẩn số mà bạn phải tự mình tìm ra”.
2. Review về tác phẩm “Ngẫm”
“Ngẫm” là một tác phẩm gồm 20 tản văn ngắn, tác phẩm ra đời vào giai đoạn Việt An Khương còn đang sinh sống ở Việt Nam và đang trong con đường theo đuổi sự nghiệp Phật học của mình. 20 tản văn là 20 sự kiện từ đời thường cho đến đặc biệt trong cuộc sống hàng ngày của Việt An Khương, bản thân tác giả đã xâu chuỗi và kết hợp lại thành một tác phẩm mang đậm chất cá nhân giản dị thường ngày.
Theo tác giả chia sẻ: “Ngẫm, chứa đựng nhiều điều, từ các câu chuyện mang tính hiếu kỳ đến những con người thật trong đời sống hằng ngày. Có lúc trực giác mách bảo, đôi khi tôi phải suy nghĩ rất nhiều thì mới thông suốt, thấu hiểu.
Mỗi bài được ghi chép ở thời điểm khác nhau nhưng chúng được tôi diễn lại, ngẫm lại trong một thời gian gần nhất. Dựa vào sự hiểu biết, trên nền ảnh cũ, tôi đã tái hiện nội dung, ý nghĩa của mỗi chuyện theo cái nhìn phổ cập, mang tính thời đại. “Ngẫm” là một bức tranh tổng thể về tâm lý con người và bản chất cuộc sống”.
Điểm đặc biệt của tác phẩm Ngẫm, là khi đọc “Ngẫm” chúng ta sẽ nhìn ra được chất riêng đặc trưng trong từng câu chữ của ngẫm. Có lẽ, Vì là người theo đuổi con đường Phật học nên cách Việt An Khương nhìn nhận vấn đề qua lăng kính của sự giác ngộ tĩnh lặng. Vậy nên:
“Niềm vui sẽ phôi pha và chóng tàn nếu không được xây dựng trên nền tảng của sự hiểu biết. Người ta thường nói: “Vui quá hóa buồn”, vui mà chẳng biết bản thân, e là chỉ hưởng trong chốc lát rồi đau khổ lâu dài, buồn thương nhiều tháng. Hận cho số phận, than trách thời vận mình sao đen tối quá, nhưng sự thật thì sao, đen hay trắng đều do chúng ta chọn cả. Vui trong phút giây dại khờ, bây giờ chúng ta mới nhận ra: vị ngọt chỉ đọng một chút trên môi, nhưng đắng hoài không dứt” – trích trong tản văn “Vui quá trớn thì đau đớn”.
3. Tóm tắt về nội dung của tác phẩm “Ngẫm”
“Ngẫm” sẽ bao gồm 20 tản văn ngắn:
- Ngẫm
- Bài học từ cây
- Nơi nào đất trũng, nước sẽ tràn về
- Chạy theo nhiều điều mới lạ
- Vui quá trớn thì đau đớn
- Lệ thuộc
- Hơi đâu mà nghe những lời người ta nói
- Tổn thương hả? Oh không, bị thương thôi!
- Hãy đi và nhìn cuộc sống
- Mũi tên từ trong mớ đến hiện thực
- Nương tựa lẫn nhau
- Ngôi nhà có hạnh phúc không
- Suy ngẫm về công danh
- Góp ý tế nhị
- Niềm xúc cảm mãnh liệt
- Đến rồi đi
- Sinh nhật của Thái tử
- Nhà giáo dục vĩ đại
- Ân tình mẹ cha
Sống ý nghĩa là người biết chủ đích của bản thân, thường làm việc hữu ích cho cộng đồng và xã hội. Hiểu rõ tiến trình hoạt động của sự vật, hiện tượng, cũng như có cái nhìn tổng thể ở mức độ nhất định. Những nhân vật này mang yêu thương đi muôn nơi khắp lối, không từ chối bất kì điều gì xảy đến. Nhờ vậy, họ luôn sống trong hạnh phúc.
Thành công hoặc thất bại – phụ thuộc hoàn toàn vào cách bạn nhìn nhận và giải quyết những vấn đề trong cuộc sống.
4. Mở đầu bài học từ cây
Đầu tiên là hạt giống. Người trồng cây bao giờ cũng muốn mình có những hạt giống tốt để gieo trồng. Cây có nhiều loại, xuất xứ từ nhiều nơi khác nhau, cho nên việc chọn ra hạt giống tốt để gieo trồng là điều không dễ dàng.
Người trồng cây phải biết lựa chọn hạt giống sao cho phù hợp với khí hậu, thời tiết, mùa vụ, đất vườn, nơi trồng. Sau đó, cày xới đất cho thật tơi xốp, trộn thêm phân bón vào, gieo hạt, tưới nước và chờ đợi hạt nảy mầm.
Cũng vậy, trong các cảnh giới, được tái sinh làm người là một phước báu, là một niềm hạnh phúc. Bởi con người thuộc loài động vật bậc cao, biết suy nghĩ, biết yêu thương. Hay nói cách khác, con người là chúng sinh có tình thức, là sự kết hợp giữa vật chất và tinh thần. Đặc biệt, con người luôn có ước mơ, hoài bão để mỗi ngày hoàn thiện bản thân và hướng đến một tương lai tươi đẹp.
Thứ hai là đất. Đất đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc trồng trọt. Hạt giống dù tốt đến mấy mà không gặp loại đất phù sa, màu mỡ thì cũng khó giúp cây nảy mầm, sinh trưởng và phát triển được.
Nhẫn phải xuất phát từ bên trong thì mới gọi là nhẫn, vì nhẫn như thế mới có sức mạnh để yêu thương và tha thứ cho người khác.
Giáo sư Trần Lê Nhân có câu:
“Có khi nhẫn để yêu thương Có khi nhẫn để liệu đường lo toan
Có khi nhẫn để vẹn toàn
Có khi nhẫn để khỏi tàn hại nhau.”
Thứ ba là ánh sáng. Nếu không có ánh sáng thì cây sẽ không thể nào quang hợp được, cũng như không tự tạo ra hợp chất hữu cơ để nuôi dưỡng cây. Đối với con người, ánh sáng chỉ ra sự hiểu biết.
Chẳng phải chúng ta đang học hỏi không ngừng đó sao? Không những học trên lí thuyết sách vở mà còn học cả trong ứng dụng thực hành của đời sống thường ngày. Nếu không có hiểu biết thì làm sao con người có thể đón nhận tinh hoa của thế giới, theo kịp sự phát triển của thời đại.
Thứ tư là không khí. Cây thuộc loại thực vật, hấp thụ khí ôxy và thải ra khí cacbonic. Tuy nhiên, với điều kiện ánh sáng mặt trời, cây mới có khả năng quang hợp, cho nên vào ban ngày thì cây hấp thụ khí cacbonic, thải ra khí ôxy và ngược lại. Sự trao đổi khí ở cây là một quá trình hết sức tự nhiên, nó giúp cây sinh trưởng và phát triển.
Thứ năm là nước. Chẳng những cây mà mọi loài đều cần đến nước để sinh tồn và phát triển. Giả định một ngày không có nước thì thế giới này sẽ như thế nào? Ở đâu không có nước, ở đó không có sự sống, nó có thể là sa mạc cát – nóng bức và khô khan.
Nước đóng vai trò trọng yếu trong hầu hết các chức năng của cơ thể con người (chiếm từ năm mươi phần trăm đến bảy mươi phần trăm trọng lượng cơ thể), nó giúp các tế bào duy trì sự sống. Ở đây, nước tượng trưng cho “lòng yêu thương”, một phẩm chất tốt đẹp, cao thượng của con người. Người có lòng yêu thương là người có hiểu biết, vì vậy họ luôn hạnh phúc.
Thứ sáu là sự chăm sóc. Thiếu yếu tố quan tâm, cây trở nên còi cọc, chậm phát triển và chết dần theo ngày tháng. Nếu không nỗ lực, cố gắng thì con người chẳng thể nào đạt được bất cứ điều gì mà mình mong muốn. Lặng nhìn cuộc sống, thắp sáng bằng những ước mơ tốt đẹp, kiên trì thực hiện, khi đó thành công mới đến với chúng ta.
Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, chúng ta cứ cho là huyền bí nhưng thực tế thì nó vô cùng đơn giản. Nếu chịu khó để ý, mỗi người sẽ nhận ra nhiều bài học bổ ích. Việc quan sát đóng vai trò hết sức cần thiết, nó giúp cho bản thân ngày càng hoàn thiện và khôn lớn hơn.
Đời người cũng giống như loài cây sinh trưởng. Cây cần nguồn dinh dưỡng từ các môi trường để trưởng thành thì con người cũng cần tiếp thu, học hỏi khắp nơi để phát triển.
5. Phần cuối ân tình mẹ cha
Trong cái vòng luẩn quẩn của sinh tử, mỗi lần có thân mạng là nhờ vào cha mẹ mà nên, ân đức đó không ai có thể chối cãi được. Mây trời rộng lớn là bao, biển cả mênh mông dường nào, chẳng người nào có thể đong đếm. Công ơn cha mẹ ví như trời biển vậy, vô tận, không bờ bến.
“Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha” Sự có mặt của chúng ta trên cuộc đời này nhờ vào muôn vàn ân đức, nhưng ân đức từ cha mẹ là cao cả nhất. Cha mẹ cho chúng ta cặp mắt biết nhìn, khối óc biết nghĩ, trái tim biết thương, gương mặt tươi vui, nụ cười thân thiện và tất cả mọi thứ.
Đứa bé cất tiếng khóc lúc vừa mới sinh là mẹ đã chịu bao vất vả. Từ hồi còn nằm trong bụng cho đến khi chào đời, rồi những bước đi chập chững đầu tiên luôn có hình dáng mẹ dõi theo.
Nuôi dạy nhiều năm, trải qua nhiều gian khó cực khổ, mẹ không so tính, không than vãn một lời, chỉ mong con mình được khôn lớn, trưởng thành, chỉ muốn gửi đến đứa con thơ dại một thông điệp nho nhỏ, rằng: “Mẹ thương con”- một tình thương không giới hạn không rào cách, tình thương cho đi mà không cần nhận lại bất cứ một điều gì.
Một đứa trẻ bụ bẫm, dễ thương thì người nào cũng thích ngắm nhìn nhưng mấy ai thấu hiểu được lòng mẹ, sự đau đớn mà mẹ phải trải qua trong những tháng ngày mang nặng đẻ đau, dưỡng dục nên người để có được hình dáng như thế.
Điều đó không gì có thể diễn tả, chỉ biết rằng mẹ đã hi sinh mọi thứ vì con thơ, kể cả đổi lấy những gì tốt đẹp cho con bằng chính thân mạng của mình. Mẹ còn trên đời là chúng ta có tất cả, một bầu trời trong xanh, người anh hai chiều chuộng, đồng ruộng đầy ắp lúa nàng thơm… Tình mẹ là tình cảm thiêng liêng không gì so sánh.
Nếu như mẹ dịu hiền, ân cần bên chúng ta thì cha không những giữ vai trò trụ cột chính trong gia đình mà còn phải giải quyết nhiều việc ở ngoài xã hội. Ấn tượng về cha là người đàn ông ít nói, nghiêm khắc nhưng lại rất gần gũi, tình cảm và bao dung. Sự hi sinh thầm kín của cha như chiếc bóng luôn dõi theo, cùng chúng ta trên mọi quãng đường đời. Chỉ khi nào bất chợt quay đầu nhìn lại, người con sẽ nhận ra bóng dáng đằng sau ấy chính là cha mình.
Tôi muốn kể cho các bạn nghe một câu chuyện: Một lần nọ, người con về quê xin cha tiền để đóng học phí. Thay vì đưa tiền cho con như những lần trước thì hôm nay người cha cứ ngậm ngùi, yên lặng giây lát, rồi ông nói rằng: “Cha chưa có tiền vì vừa qua kinh tế gia đình gặp khó khăn, cha chạy vạy nhiều chỗ mà chưa lo được tiền để gửi cho con”. Phút giây gặp gỡ ngắn ngủi ấy khiến cho đứa con vô cùng xúc động, không sao nói hết được nỗi lòng của mình dành cho cha.
Bạn thấy đấy, sự có mặt của chúng ta trong cuộc đời khiến cha mẹ lo lắng đủ điều. Khi con ngày càng lớn, cha mẹ lại quan tâm, để ý nhiều hơn. Con càng lớn thì nhu cầu của con càng cao, do đó cha mẹ phải làm lụng rất vất vả và mệt mỏi. Nhưng tất cả, chính vì lo cho con, để rồi sầu khổ cũng vì con!
Không có điều tốt đẹp nào bằng sự hiếu dưỡng cha mẹ, không có điều xấu ác nào bằng từ bỏ mẹ cha. Đệ tử của bậc Tỉnh Thức, chúng ta phải ghi nhớ công đức sinh thành, cũng như luôn nỗ lực không ngừng trong công việc và cuộc sống. Như thế, mới có thể hoàn thiện được nhân cách của bản thân, trở thành người toàn vẹn cả tài lẫn đức để không phụ công ơn cao dày mà cha mẹ đã hi sinh cho chúng ta.
Ai cũng có thể bỏ bạn đi nhưng duy nhất và mãi mãi cha mẹ sẽ luôn ở bên bạn và dõi theo bạn từng ngày. Vì vậy, cố gắng sống thật tốt, hiếu ân với cha mẹ khi có thể bởi “Tâm hiếu là tâm Phật – Hạnh hiếu là hạnh Phật”.
Sẽ rất vui nếu phần review này cung cấp một phần thông tin về sách Ngẫm dành cho bạn đọc. Nếu bạn yêu thích tác phẩm Ngẫm và phù hợp với bản thân, thì hãy ủng hộ tác giả bằng cách nhấn vào liên kết để mua và trải nghiệm ngay tác phẩm Ngẫm nhé!
Nếu bạn muốn cập nhật thêm nhiều sách mới và nhiều bài viết hay thì theo dõi Fanpage của SBooks của chúng mình.